Cứ-là-chính-mình, tự tin khoe cá tính?!

Ảnh: Sydney, tháng 11/2018.

Một trong những lời khuyên tôi nghe nhiều nhất ở nước ngoài là hãy-sống-đúng-với-bản-chất-của-mình, từ thầy cô đến bạn bè. Những người nói câu này với tôi đều có ý bảo rằng bọn mình hãy cứ thoải mái ăn uống, thoải mái vui cười, thoải mái nói ra những gì mình nghĩ, thoải mái làm những thứ chẳng-giống-ai. Cứ-là-chính-mình đi, rồi sẽ có người hiểu mình, có người yêu thương mình mà chẳng cần mình thay đổi bất cứ điều gì, chẳng cần sợ ai chê cười.

Tôi cho rằng đây là một trong những lời khuyên… ăn hại nhất, nếu không thêm vào những điều kiện khác. Mà, điều kiện quan trọng nhất ít được nhắc đến: bạn phải là phiên bản tốt nhất của chính mình trước đã.

Nhiều người hỏi tôi, tại sao sợ bị người ta đánh giá nếu mình muốn làm những điều mình thích, ví dụ như: cười thật lớn tiếng, có những tư thế không-sang-chảnh, nghĩ gì nói nấy. Tôi nghĩ không phải ai cũng thích những điều ấy dù chúng thoải mái thế nào, vì biết đâu thứ người ta thích lại là những gì hoàn mỹ, thanh lịch, tinh tế thì sao?! Tự do ngôn luận và chủ nghĩa cá nhân không phải chỉ là thoải mái làm mọi thứ một cách bản năng, không che đậy không kiềm nén, mà còn là sự tôn trọng đối với những ai kiên định với những giá trị mà họ quyết tâm theo đuổi, dù họ có đang làm được những điều ấy hay chưa.

Đôi lúc tôi thấy bất ngờ, vì nhân loại đã tốn mấy ngàn năm để xây dựng nền văn minh và những chuẩn mực đạo đức, đến bây giờ lại có một thế hệ đòi phá bỏ hết một cách đầy hãnh diện rồi yêu cầu người khác chấp nhận và tôn trọng.

Tôi ngưỡng mộ những con người phóng khoáng, theo đuổi những gì họ thích, bất chấp người khác cười nhạo họ thế nào. Nhưng, điểm chung ở những con người tưởng như không quan tâm đến một thứ luật lệ nào ấy lại là: họ biết đâu là giới hạn giữa tự do cá nhân và sự ảnh hưởng đến những người xung quanh, dẫu ảnh hưởng đó là về mặt vật chất, tinh thần hay chỉ là thẩm mỹ. Họ chấp nhận đánh đổi những thứ thuộc về quyền lợi riêng để đạt được những giá trị khác mà họ xếp cao hơn, nhưng tuyệt nhiên không làm phiền đến bất kỳ ai. Thực chất, những kẻ nổi loạn khiến người khác ngưỡng mộ đều có những quy tắc của riêng mình. Họ có bản lĩnh và tài năng đủ để khiến cái sự không giống ai ấy trở nên có ích cho bản thân và xã hội chứ không hề nông nỗi. Đã ngông cuồng thì ngông cuồng cho trót, đã không giống ai thì hãy làm một nhân vật thật phi thường.

Hôm nọ, trên xe bus, tôi nhìn thấy một bác gái chừng 60 tuổi, tóc bob nhuộm màu hồng sáng, cardigan hồng nhạt, giày một chiếc hồng một chiếc xanh, nhìn tổng thể lại cực kỳ hài hòa trang nhã, không có một chút phản cảm nào. Tôi lắc đầu cười khổ, muốn thật là muốn được chụp ảnh cùng bác mà thấy mình vô duyên quá lại thôi.

Để được là chính mình ở mọi nơi mọi lúc, không cần giả tạo màu mè, tôi nghĩ chẳng có cách nào khác hơn là từng ngày biến những điều tốt đẹp thành thứ của mình, từ cách nghĩ đến cách sống, cách ứng xử. Có thể chúng ta sẽ không bao giờ trở nên hoàn hảo, nhưng chúng ta rồi sẽ tốt hơn, cảm thấy thoải mái hơn với những thứ mà chúng ta từng cho là kiểu cách hay gò bó. Suy cho cùng, có ai khước từ cái đẹp bao giờ?!

Và, trước khi đưa ra lời khuyên với những người trẻ đang loay hoay không định hướng, hãy chắc rằng họ hiểu triệt để những gì bạn muốn truyền đạt, không thừa không thiếu.

“Một trong những lời xui dại man rợ nhất lịch sử nhân loại có lẽ là “Hãy cứ là chính mình”. Bạn cứ làm chính mình làm gì trong khi bản thân đang là một thứ không đủ giỏi, lười biếng, vô trách nhiệm, thất bại và yếu kém?” (*)

—–

(*) Câu này vô tình đọc được trên Facebook, xin lỗi vì tôi đã quên ghi lại tên tác giả.