(Ảnh chụp một trong số rất nhiều quầy báo giấy ở Sydney, tháng 9 – 2018)
Cách đây không lâu, nếu có ai đó hỏi tôi, điểm mạnh của bạn là gì, tôi có thể liệt kê ra những thứ như: sáng tạo, nghệ thuật, cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu, hoặc biết cách kể chuyện. Dù mỗi ngày một lờ mờ nhận ra một điều gì đó, nhưng tôi vẫn nghĩ thế mạnh của mình là những điều thuộc về cảm xúc, giao tiếp với con người, và vẫn loay hoay tìm một hướng đi thực sự hợp với mình.
Cho đến hôm qua, những điều tôi chưa thể nghĩ một cách rõ ràng bỗng nhiên nối kết với nhau, sau một bài kiểm tra thế mạnh bản thân và những phân tích của Thầy. Chúng tôi được làm một bài trắc nghiệm để đánh giá xem tính cách và khả năng có những điểm gì nổi trội, thông qua 34 khả năng chính được chia vào các nhóm: hành động, tạo ảnh hưởng, tạo sự kết nối và chiến lược. Kết quả của các bạn khóa tôi khá đa dạng, dễ hiểu thôi, vì mỗi người sẽ có điểm mạnh ở một vài mảng khác nhau, kiểu như giao tiếp và lãnh đạo, nâng đỡ người khác và theo đuổi mục tiêu của mình, sự cảm thông và tinh thần trách nhiệm. Chỉ có mình tôi, bảng kết quả lệch hẳn về một hướng, và cả 5 điểm mạnh nhất của tôi đều nằm ở mảng chiến lược, liên quan toàn bộ đến việc học hành: hoạt động trí óc, ý tưởng, học tập, biết những điều mới lạ và tư duy chiến lược. Tôi thực sự bất ngờ vì không có một điểm nào liên quan đến giao tiếp hay kết nối cảm xúc – điều mà tôi luôn nghĩ mình làm tốt nhất. Thầy bảo, cứ để con nhỏ này một mình, rồi nó sẽ vạch ra một cái gì đó hay ho.
Đến lúc ấy, tôi hiểu được tại sao trong khi bao nhiêu người vật vã học thêm, thì tôi lại nhởn nhơ tự học ở nhà và xem phim đều đặn mỗi tối, đi ngủ lúc 10 giờ suốt 12 năm học. Tại sao nỗi băn khoăn lớn nhất của tôi luôn là mình có đủ ý chí để mà ngồi học cho đàng hoàng hay bị xao lãng bởi nhiều thứ khác, chứ không bao giờ là môn đó dễ hiểu hay khó hiểu. Tại sao chưa bao giờ tôi học nhóm được thành công, rồi nhiều khi mang tiếng chảnh chọe không hòa nhập. Tại sao tôi hay học những thứ chả liên quan gì hoặc chả biết sẽ dùng để làm gì, hoặc cả những thứ mà ai biết chắc sẽ cười vào mũi, chỉ vì tôi muốn biết rõ nó là thế nào. Chẳng phải tôi tài giỏi hơn người, mà vì bản chất của tôi là một đứa xem việc học là một niềm vui, tôi thực sự tận hưởng quá trình học những điều tôi chưa biết hơn là kết quả “học để làm gì”. Tên tôi lấy từ chữ “uyên bác”, là ước mong của Cha Mẹ tôi, cũng là điều tôi được dạy từ khi còn rất nhỏ, “học thêm kiến thức không bao giờ là thừa cả”. Và, vào cái sinh nhật đầu tiên ở xứ người, tôi chợt nghĩ mục tiêu lớn nhất của cuộc đời tôi hóa ra chẳng phải trở thành người giàu nhất, người giỏi nhất hay người làm được chuyện to tát nhất, mà là cho đến khi tuổi đời được kha khá rồi, sẽ có một cô bé cậu bé nào đó hỏi tôi một cách ngưỡng mộ rằng, trên đời có cái gì mà chị không biết không – đương nhiên là vô số thứ chứ, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ cười vui lắm.


(Ảnh chụp tại Thư viện Quốc gia Singapore, tháng 5 – 2018)
Có cô bé hỏi, sao chị có thể tự học được như thế, tôi bảo vì hai lý do đơn giản: chị không có tiền, và chị cũng không thể hiểu được nếu không tự học. Tất nhiên tôi chả tài giỏi gì, cũng phải đi học, không tiền học thêm cũng phải đi mượn tài liệu của bạn bè, và cũng phải cầu cứu Thầy Cô bạn bè những điều không hiểu, nhưng tôi cần thời gian ngồi một mình và tự hiểu lấy mọi thứ theo cách của mình. Tôi nghĩ có thể đây là điểm mạnh, cũng có thể là điểm yếu, khi học nhóm, hoặc học thêm, mọi người có thể trao đổi và được hướng dẫn cách làm đúng, còn cách của tôi, vì tự nghĩ ra nên nhiều lúc sẽ rất lằng nhằng, không hệ thống, và tôi mất kha khá thời gian để so sánh với cách làm đúng, cũng sửa luôn cả tư duy của mình. Quá trình này cứ lặp lại như thế, nhưng tôi lại thấy vui vẻ chứ chẳng cực khổ gì, tôi nghĩ đó là may mắn, nếu không có khi tôi đã bỏ cuộc từ lâu – à mà tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều này.
Tôi chưa bao giờ nhận ra “thích việc học” là một thế mạnh, và đó là một thế mạnh có thể phát huy. Tôi cũng chưa từng biết rằng nếu mình không thích học thì việc học sẽ đau khổ và áp lực thế nào. Bạn bè tôi sẽ có những thế mạnh khác mà tôi có cố gắng đến mấy cũng khó thể bằng họ được, ví dụ như khả năng hòa nhập, khả năng lãnh đạo… Nhiều bạn của tôi năm xưa học không giỏi, nhưng giờ vẫn cực kỳ thành công, và bảo tôi đi ra kinh doanh hay buôn bán cũng không bao giờ tôi làm được, đừng nói làm tốt như họ. Tôi nghĩ quan trọng là có ai đó nói cho mình biết, hoặc giúp mình nhận ra điểm mạnh nhất của mình là gì, để chúng ta thôi so sánh mình với người khác và chuyên tâm rèn giũa “thanh kiếm” của mình thật sắc bén, thay vì cố mang điểm yếu của mình đi chọi với điểm mạnh của người ta.
Một trong những điều tôi thấy vui nhất khi đi học, là có những dịp như vậy, khiến tôi ngày càng hiểu rõ mình hơn.